Ngày đăng : 11:08:26 28-12-2016
Chọn kính mát như thế nào
Mang kính mát giúp không bị ánh nắng chói chang làm khó chịu. Nhưng cái thực sự làm hại mắt, không phải vì bị sáng quá mà vì trong ánh nắng có tia cực tím – phần tia sáng mình nhìn không thấy, làm hại võng mạc bên trong con mắt (cũng như có thể gây ung thư ngoài da). Tia tím và tia lam của ánh nắng cũng làm hại mặt, nhưng mức độ ít hơn tia cực tím. Tia cực tím (ultra violet rays, thường gọi tắt là UV) có hai thứ là UVA và UVB (UVC không lọt tới trái đất vì đã bị lọc hết qua bầu khí quyển).
Thế nào là kính mát đủ tiêu chuẩn?
Trên mắt kính, nhiều khi ta thấy có dán mẫu nhãn nhỏ ghi chữ ANSI Z30.3. ANSI là chữ viết tắc của Viện định chuẩn Hoa Kỳ (American Nantional Standards Institute). Trong danh mục các tiêu chuẩn của ANSI thì kính mát ở vào mục Z30.3. Tiêu chuẩn này chia ra 2 loại kính: kính mát thông thường (general purpose) và kính đặc biệt (special purpose). Khi trên kính có nhãn ANSI Z30.3 General Purpose thì có nghĩa là kính đạt tiêu chuẩn lọc được 60% UVA và 95% UVB. Kính có nhãn Special Purposes phải lọc được 96% UVA và 99% UVB. Những kính có ghi là Cosmetic Use thì không theo tiêu chuẩn gì hết.
Tiêu chuẩn của Hội chuyên gia kính mắt Hoa Kỳ (Americal Optometry Association, viết tắt là AOA) thì cao hơn. Kính mát tốt là thứ kính lọc được 99% tia cực tím, cả UVA lẫn UVB. Tuy vậy, tất cả những tiêu chuẩn nói trên đều có tính cách tự nguyện, không bắt buộc mà cũng không có cơ quan nào kiểm soát cả. Trên thực tế, các hãng làm kính mát có tiếng của Mỹ đều đạt các tiêu chuẩn trên, nhưng nhiều khi họ không cần dán nhãn ANSI hay AOA dù vừa mất công lại phải đóng nhiều tiền lệ phí. Có những kính ”thượng hảo hạng” lọc được 100% UVA và UVB.
So với những nhãn hiệu kính đắt tiền, như Giorgio Armani, Kenneth Cole, Gucci.. thì những loại kính bình dân bày bán ở cây xăng, chợ trời ra sao? Câu trả lời là cũng còn tuỳ ”hên xui may rủi”. Dù sao, kính mát có dở cũng còn hơn là không mang kính (như các cụ nói ”méo mó có hơn không”). Thực sự thì có nhiều kính rẻ tiền mà vẫn hội đủ tiêu chuẩn lọc tia cực tím như đã nói trên.
Ngoài khả năng lọc tia cực tím, kính phải cho ta cảnh vật trung thực không bị vặn vẹo. Khi thử kính, cầm kính nhìn một đường thẳng nằm ngang ở xa rồi đưa mắt kính qua lại theo đường đó. Nếu đường thẳng bị cong là kính không tốt.
Màu kính ảnh hưởng ra sao?
Kính đậm màu thì đỡ bị chói nắng, nhưng khả năng lọc tia cực tím không tuỳ thuộc màu đậm hay lợt, mà nhờ ở những chất tráng trên mặt kính hoặc pha ngay trong chất liệu làm mắt kính. Kính đậm quá làm cho ta nhìn không được rõ, có thể gây vấp ngã và nguy hiểm khi lái xe. Kính màu gì tốt hơn? Các màu thông thường như màu xám, màu nâu và cả màu xanh ve ít làm xáo trộn màu sắc cảnh vật nhất. Nếu có vấn đề về thực lực màu sắc, dùng kính màu xám là tốt hơn cả. Kính màu vàng, màu cam có lợi ích là lọc thêm được những tia lam, tia tím, nhưng những màu kính này làm màu sắc cảnh vật bị xáo trộn. Tuy vậy, người chơi trượt tuyết hay trượt nước cũng vẫn dùng kính màu vàng hay màu hổ phách vì những màu này làm cho cảnh vật ”nổi” rõ hơn.
Những kính tự động đậm màu lên khi ra ngoài nắng (gọi là photochromic) thật sự lọc được tia cực tím vì có chất lọc tia cực tím tráng thêm ngoài lớp kính nhiều hơn là vì màu đậm lên. Kính râm có tráng lớp gương phản chiếu làm cho bớt loá, nhưng tự nó không lọc được tia cực tím.
Mắt kính làm bằng gì?
Ngày xưa cái gì cũng đơn giản, mắt kính thì làm bằng kính(!). Nhưng ngày nay, mắt kính đều làm bằng plastic vì vừa lọc tia cực tím tốt hơn lại không dễ vỡ. Từ plastic đặc biệt gọi là polycarbonate chịu được va chạm mạnh, nên hay dùng cho những môn thể thao mạnh, và làm kính cho trẻ con. Tuy nhiên, cũng nên cho trẻ con biết rằng lấy đá mà đập thì kính cũng vỡ (nói theo tiếng Anh). Có thứ mắt kính đặc biệt gọi là high index (nói cho rõ là high index of refraction, nghĩa là chỉ số khúc xạ cao), vì chất plastic đặc hơn nên mắt kính mỏng hơn.
Kính phân cực (polarizel glasses) mà những người đi câu cá, chơi thuyền đã dùng từ lâu thì nay rất thịnh hành với các môn thể thao như trượt nước, trượt tuyết, xe đạp và cả người chạy bộ và người lái xe đường trường. Ánh nắng phản chiếu từ những mặt phẳng như mặt hồ, mặt đường… thường là bị phân cực theo hướng nằm ngang. Nếu dùng kính phân cực theo chiều dọc thì sẽ đỡ bị loá rất nhiều. Có một điểm gây phiền là kính phân cực làm cho ta nhìn những chữ số hiện lên do kỹ thuật LCD (trong xe hơi, màn hình máy rút tiền ATM ở ngân hàng…) nhiều khi không rõ tuỳ theo hướng nhìn. Người chơi trượt tuyết xuống dốc nhanh cũng có thể bị khó khăn vì kính phân cực làm cho những mô cao thấp ít nổi hơn.
Ngoài nắng, nhờ con ngươi nheo lại, vậy khỏi đeo kính được không? Khi ta ra ngoài nắng, con ngươi theo phản xạ sẽ nheo nhỏ lại làm cho ánh sáng lọt vào mắt ít hơn. Nhưng như thế không đủ để bảo vệ mắt mà vẫn cần mang thêm kính. Đội mũ nón rộng vành giúp giảm được một nửa số tia cực tím lọt vào mắt.
Tags: